"TÍN LỰC" - SỐNG MÀ THIẾU NIỀM TIN THÌ LIỆU SẼ ĐI TỚI ĐÂU?

Ông Bà ta hay bảo “sống mà thiếu niềm tin thì chẳng đi đến đâu cả”, cũng là một cách diễn giải về “tín lực”.

Tín lực là gì?

“Tín lực”, dịch nom na là “niềm tin đủ lớn” và “niềm tin vững chắc” vào một sự việc nào đó. Tuy nhiên, việc đó phải đúng sự thật, hay rõ hơn là đúng với quy luật vũ trụ, như luật nhân quả, luật hấp dẫn, luật cân bằng, và luật vô thường.

“Tín lực”, là lực đầu tiên trong ngũ lực (Five Strengths) của Nhà Phật.

Khi niềm tin đủ lớn thì mới có “tấn lực”, rồi đến “niệm lực”, tấn và niệm đủ thì có “định lực” với sự tập trung như laser. Tập trung đủ và trọn vẹn thì sẽ phát sinh “tuệ lực”. Còn sự tối quan trọng của “định lực” thế nào trong cuộc sống thì hôm nào tôi biên.

Ai thực sự hiểu sâu sắc và thực hành đúng “tín lực” thì đôi lúc chỉ cần 1 câu nói động viên đúng lúc, đúng sự thật, thì anh em có thể thay đổi được cả một đời người.

Tôi còn nhớ, 7-8 năm trước, có một lần tôi được gặp Bác Nguyễn Bá Dương (chủ tịch của CotecCons lúc bấy giờ, tập đoàn thầu xây dựng hàng đầu Việt Nam) thì Bác có bảo tôi câu chuyện thế này:

Thời Cotec Cons còn là một công ty thầu tầm trung; có vài chủ đầu tư nước ngoài hỏi Bác là, năng lực công ty Bác có đủ tự tin xây tòa nhà cao nhất Việt Nam không… vì thấy các dự án hoàn thành trước đó của công ty Bác cũng dạng vừa thôi.

Tôi còn nhớ như in câu Bác trả lời lại nhà đầu tư:

“Người xây tòa nhà cao nhất thế giới, chắc chắn cũng chưa bao giờ xây tòa nào cao như thế trước đó. Nếu có thì đã không gọi là tòa cao nhất. Chỉ có “dám làm” không mà thôi. Nếu đủ năng lực, đủ hoạt định và đủ “niềm tin” thì chắc chắn sẽ xây được… !”

Thế là Bác Dương trúng thầu, rồi liên tiếp xây những tòa nhà cao nhất Việt Nam. Đó là một tấm gương cực kỳ kinh điển về cái “tín lực” mà tôi đang biên.

Để làm một việc gì thành công và tốt đẹp, nó cần rất nhiều yếu tố. Nguồn lực đủ, mục tiêu rõ ràng, đường đi rõ ràng, tiếp đến là thời thế phải thuận hay nói nom na là phúc phần đủ thì việc đó mới ra kết quả như hoạt định ban đầu.

Còn để từ “cái tốt” mà tiến đến “cái vĩ đại” thì ngoài những yếu tố trên thì chắc chắn không thể thiếu vài trò của “tín lực”.

Cái đó rất dễ quan sát trong chính ngành nghề hiện tại của anh em; giữa 2 ông cùng năng lực như nhau, kỹ năng tương đồng nhưng ông nào có “tín lực” hơn thì chắc chắn luôn ra kết quả vượt trội hẳn.

Hay Ông Bà ta hay bảo “sống mà thiếu niềm tin thì chẳng đi đến đâu cả”, cũng là một cách diễn giải về “tín lực”. Còn làm sao để có “tín lực” thì hẹn anh em ở một bài khác, sơ lược trước thế để anh em có thể hiểu khái niệm tín lực là gì.

 

 

← Bài trước Bài sau →